Nhà đất rục rịch giao dịch trở lại

Sau hơn một tháng dỡ phong tỏa, lượng giao dịch bất động sản tăng trung bình 20% so với giai đoạn đóng băng thanh khoản cách đây 4 tháng.

Khảo sát của báo điện tử VnExpress cho thấy, sau hơn một tháng hậu giãn cách, lượng giao dịch nhà đất trong tháng 10 của nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại TP HCM đang bắt đầu tăng trở lại khoảng 20-30% so với đợt cao điểm chống dịch lần thứ tư.

Thống kê từ phòng kinh doanh của doanh nghiệp có dự án nhà phố trên trục Quốc lộ 13, quận Thủ Đức cho biết, lượng giao dịch sau thời gian TP HCM dỡ phong tỏa bắt đầu cải thiện từ tuần thứ hai của tháng 10 trở đi, tăng 30% so với các tháng 6, 7, 8 và 9. Tuy nhiên, sức mua hiện nay chưa thể phục hồi so với cùng kỳ năm 2020.

Quản lý công ty bất động sản này dự báo, trong mùa cao điểm bán hàng cuối năm nay (tháng 11 và 12), thanh khoản nhà phố có thể tăng trưởng cao hơn tháng 10 nhờ chính sách giãn tiến độ thanh toán dài kỳ đang được đẩy mạnh để kích cầu trước Tết.

Trong khi đó, đại diện một công ty chuyên bán đất nền và nhà phố vùng ven có trụ sở tại khu An Phú, TP Thủ Đức cho hay, trong tháng 10, giao dịch đất nền và nhà phố tại Bảo Lộc đã có dấu hiệu bắt nhịp trở lại, tăng 20% so với 4 tháng phong tỏa (thanh khoản bằng 0).

Người này cho biết, các sản phẩm nhà đất vùng ven có giá trên dưới 2,5-3 tỷ đồng, khá “mềm” so với Sài Gòn (từ 7-15 tỷ đồng một căn nhà phố, biệt thự) nên dòng tiền rẻ đổ vào vùng trũng trước. Đa số khách hàng tiến hành giao dịch đang sống tại Sài Gòn vẫn còn hạn chế di chuyển liên tỉnh nhưng đều tích cực đến sàn giao dịch kiểm tra các thông tin pháp lý, quy hoạch và ký hợp đồng đặt cọc.

Thị trường bất động sản phía Đông TP HCM
Thị trường bất động sản phía Đông TP HCM.

Tại một hội thảo về thị trường bất động sản giai đoạn hậu giãn cách mới đây, bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh cho hay, từ tháng 10, doanh nghiệp đã khởi động lại các dự án bất động sản ở Bình Dương, Đồng Nai phân khúc từ một tỷ đồng trở lên và ghi nhận hàng trăm khách hàng booking (đặt) giữ chỗ. “Mặc dù lượng giao dịch đang có dấu hiệu cải thiện nhưng vẫn không thể bằng năm 2020”, bà Oanh nói.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi, công ty đã bắt nhịp tổ chức các đợt bán dự án nhà phố Long An từ giữa cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 ghi nhận sự quan tâm lớn từ khách hàng mua để ở lẫn đầu tư. Các giao dịch bắt đầu tăng lên so với 4 tháng phong tỏa nhưng chưa thể bắt kịp giai đoạn trước đợt dịch lần thứ tư vì người mua khá thận trọng, cần thêm thời gian khảo sát thực tế dự án rồi mới xuống tiền. Ngoài ra, thị trường vẫn còn vướng rào cản tâm lý lo ngại dịch bệnh khi hiện có khoảng 15% khách hàng tiềm năng còn phân vân, cân nhắc thêm.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển R&D DKRA Vietnam nhận định, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận một số dấu hiệu phục hồi trong một tháng qua, cho thấy sự cải thiện tích cực so với thời gian phong tỏa. Từ đầu tháng 10 đến nay, việc giãn cách xã hội đã từng bước được nới lỏng, các hoạt động kinh tế – xã hội cũng dần trở về trạng thái bình thường mới nên nguồn cung mới và sức mua về cơ bản có chuyển biến tích cực hơn quý III, không chỉ ở TP HCM mà cả các địa phương lân cận khác.

Theo dự báo của ông Hoàng, thanh khoản thị trường bất động sản trong quý IV sẽ có xu hướng cải thiện so với quý III (cao điểm phong tỏa) nhưng suy giảm so với quý I hoặc cùng kỳ năm 2020.

Người mua nhà đất hiện bị ảnh hưởng về thu nhập, một số khác đang thận trọng quan sát. Sức mua của thị trường bất động sản trong quý IV dựa vào những người có tiềm lực tài chính lựa chọn bất động sản là kênh hàng đầu để đầu tư lâu dài và bảo toàn giá trị tài sản. Loại bất động sản gắn liền với đất có giá vừa túi tiền ở các tỉnh giáp ranh vẫn là dòng sản phẩm được ưu tiên, đặc biệt tại các địa phương có các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong thời gian dịch kéo dài từ tháng 6 đến đầu tháng 10, hơn 70% các sàn giao dịch gặp khó khăn, chỉ có khoảng 30% sàn giao dịch hoạt động với công suất khoảng 50%. Giai đoạn phong tỏa, thị trường bị tổn thương do đứt gãy chuỗi phân phối truyền thống, sức mua sụt giảm mạnh.

Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam xác nhận, sau một tháng dỡ phong tỏa, đến tháng 10, người dân đã dần thích nghi với việc sống chung với đại dịch, các chủ đầu tư đang nhập đường đua tổ chức lại các hoạt động bán hàng trực tiếp. Các chủ đầu tư có dự án trên địa bàn TP HCM và vùng phụ cận phía Nam đã bắt đầu có giao dịch thành công trong tháng 10 và nhiều khả năng mùa cao điểm bán hàng sẽ rơi vào tháng 11 và 12. Tuy nhiên, thanh khoản cuối năm sẽ khó bắt kịp tốc độ của giai đoạn trước đợt dịch lần thứ tư.

Xem các tin khác:

Tìm kiếm bất động sản