Nhiều người mua ở thực đang có xu hướng tìm kiếm các dự án chuẩn bị bàn giao trên thị trường thứ cấp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao vì khan hiếm nguồn cung và vật liệu leo thang.
Nhu cầu lớn với căn hộ sắp bàn giao
Thấm thía nỗi khó khăn khi phải thuê nhà sống trong thời điểm dịch, vợ chồng anh Quân (quận 4, TP.HCM) quyết định gom tiền tiết kiệm và vay thêm họ hàng mua một căn hộ. Anh Quân hướng đến những dự án đang chuẩn bị bàn giao tại khu Đông TP.HCM. Theo anh, các dự án mới chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá từ 50-60 triệu đồng/m2 và phải đợi triển khai. Tìm hiểu thị trường thì thấy, cùng tầm giá này có thể mua lại nhiều dự án chuẩn bị bàn giao nên anh chấp nhận mua chênh so với giá ban đầu nhưng vẫn mềm hơn dự án đang chuẩn bị triển khai.
Tương tự, bà Xuân một khách hàng tại TP. Thủ Đức cho biết, bà đang nhắm đến căn hộ ở khu vực gần làng đại học để dành cho con. Khu vực này hiện có khá nhiều dự án triển khai nhưng giá mềm nhất cũng phải từ 37-40 triệu đồng/m2, ngang với một số dự án chuẩn bị bàn giao. Vậy nên bà Xuân quyết định đi mua lại từ nhà đầu tư thứ cấp. “Qua 2 năm dịch, nhiều nhà đầu tư đang đuối vốn nên phải bán ra với mức chênh chẳng đáng là bao so với giá gốc. Vậy nên tôi tranh thủ mua được căn hộ giá tốt mà không phải tốn thời gian chờ đợi triển khai”. Theo bà Xuân, bà lo những năm tới đây giá nhà sẽ tiếp tục tăng cao vì chi phí xây dựng leo thang và quỹ đất lại khan hiếm. Nếu tìm được dự án ưng ý thì mua ngay lúc này, vì càng chần chừ, giá nhà càng đội lên cao.
Theo ghi nhận của các công ty nghiên cứu thị trường, nhu cầu tìm mua nhà ở thực đang nghiêng mạnh về các dự án sắp bàn giao, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch bệnh. Các dự án căn hộ sắp bàn giao tại TP.HCM đang trở thành sản phẩm thu hút người mua hơn các dự án mới mở bán. Nguyên nhân là do tâm lý e ngại của khách hàng về pháp lý dự án, về chất lượng sản phẩm, đặc biệt thời điểm sau dịch. Thay vì phải chờ đợi một vài năm mới có thể sở hữu căn hộ mới, việc nhận chìa khóa sau vài tháng kể từ khi ký hợp đồng mua nhà hoặc chìa khóa trao tay giúp người mua giảm thiểu rủi ro phát sinh cũng như sự bất an thường trực. Chưa kể, với những người đang ở nhà thuê, việc mua và nhận bàn giao nhà trong thời gian ngắn sẽ giúp tiết kiệm khoản chi phí khá lớn. Vậy nên khách mua ở thực mong muốn tìm kiếm chốn an cư ở các dự án đã cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên tìm hiểu thực tế thị trường, việc kiếm dự án chuẩn bị bàn giao trên địa bàn TP.HCM không hề dễ dàng vì nguồn cung nhà ở khan hiếm, dự án sơ cấp đã ít, căn hộ hoàn thiện chuẩn bị bàn giao trong năm nay còn ít hơn.
Săn nhà vì lo tăng giá
Bên cạnh tâm lý có thể sở hữu nhà ngay và tránh rủi ro về tiến độ, một yếu tố đang khiến nhiều người mua nhà đổ về săn các dự án chuẩn bị bàn giao là lo lắng giá căn hộ sẽ tiếp tục leo thang trong các năm tới đây. Số liệu báo cáo của nhiều đơn vị NCTT cho thấy, từ năm 2019 đến nay TP.HCM có rất ít dự án mới được triển khai, dù đã “cởi trói” cho 124 dự án vướng pháp lý nhưng số dự án mới được triển khai trên địa bàn vẫn không đáng kể và chủ yếu là loại hình cao cấp. Việc siết chặt pháp lý kéo dài từ 2019 đến nay cộng thêm quỹ đất cạn dần khiến số lượng dự án sơ cấp khan hiếm và liên tục kéo giá nhà tại TP.HCM và các khu vực lân cận tăng cao.
Dữ liệu lớn (big data) của Batdongsan.com.vn cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021 mặt bằng giá căn hộ trung bình tại TP.HCM đạt từ 45-61 triệu đồng/m2, tăng 4% so với cùng kỳ 2020. Riêng trong tháng 8/2021, thời điểm giãn cách xã hội, giá căn hộ vẫn tiếp tục tăng thêm 9% so với cùng kỳ. Số liệu từ JLL cũng cho thấy, quý 3/2021, giá bán sơ cấp căn hộ trung bình tăng 10,9% so với cùng kỳ. Riêng ở phân khúc cao cấp có giá sơ cấp đạt 5.099 USD/m2, tăng 11,4%, chủ yếu do các dự án chào bán mới với mức giá cao hơn mức trung bình. Khu Đông có xu hướng tăng giá căn hộ mạnh nhất, mặt bằng giá trung bình từ 55-80 triệu đồng/m2, ngay cả vùng giáp ranh TP. Thủ Đức như Dĩ An, Thuận An, giá sơ cấp trung bình hiện là 37-40 triệu đồng/m2. Sự khan hiếm của nguồn cung dự án mới đã khiến giá được đẩy lên, trong khi nhu cầu nhà ở thực của người dân vẫn cao, nên các dự án thứ cấp sắp bàn giao hút khách.
Bên cạnh đó, xu hướng tăng liên tục của giá vật liệu xây dựng và chi phí triển khai dự án bị đội lên vì dịch bệnh thời gian vừa qua cũng là nhân tố tác động lớn đến giá nhà và được nhận định sẽ khiến nhiều chủ đầu tư đang có dự án triển khai phải tính toán lại mặt bằng giá mới. Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Viet Nam cho hay, bước sang năm 2022, áp lực tăng giá BĐS sẽ rất lớn bởi nhiều lý do như chi phí xây dựng gia tăng, chi phí đầu vào leo thang. Đặc biệt, từ quý 2/2022, khi kinh tế phát triển mạnh trở lại (nhiều dự báo cho rằng GDP năm 2022 có thể lên đến 6.5 – 7.5%), Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân, bất động sản sẽ càng có đà tăng giá. Lo lắng cơ hội mua nhà sẽ ngày càng xa rời tầm tay khiến không ít người có nhu cầu ở thực tranh thủ thời điểm hậu Covid-19 để săn tìm BĐS ưng ý với mức giá phù hợp.