Sai lầm lớn khi mua nhà lần đầu khiến gia chủ ôm hận tốn đống tiền

Mua nhà theo cảm tính thay vì tài chính, không khảo sát thị trường, không kiểm tra kỹ căn nhà… là những lỗi thường gặp khiến nhiều người mua nhà lần đầu hối hận.

Cảm tính “thắng” tài chính

Mua nhà là một khoản chi tiêu lớn, đa số mọi người quyết định mua nhà khi có sẵn một khoản tiền, phần còn thiếu thì vay thêm. Để không rơi vào “bẫy nợ”, các chuyên gia khuyến cáo người mua nhà chỉ nên vay dưới 30% giá trị căn nhà, vay quá 50% sẽ rất áp lực, thậm chí mất khả năng chi trả.

Để cảm tính “thắng” tài chính sẽ dễ rơi vào “bẫy nợ”
Để cảm tính “thắng” tài chính sẽ dễ rơi vào “bẫy nợ”

Đa số mọi người đều sẽ dự trù giá trị căn nhà muốn mua. Tuy nhiên, những người mua nhà lần đầu thường rất dễ rơi vào tình cảnh cảm tính thắng tài chính, tức ngân sách chỉ đủ để mua căn nhà tầm tiền này, nhưng vì quá ưng một căn nhà khác đẹp hơn, tiện nghi hơn, giá cao hơn mà quyết định phá vỡ ngân sách đặt ra, cố vay mượn mua căn nhà to tiền. Kết quả là mua được nhà mà sống trong đống nợ, lúc nào cũng lo nghĩ tiền bạc, hối hận thì đã muộn.

Không khoanh vùng khu vực muốn mua

Nhà ở là nơi sẽ gắn bó dâu dài nên việc tìm hiểu và chọn mua căn nhà có vị trí phù hợp là vô cùng quan trọng. Thực tế, nhiều người lần đầu mua nhà không “định vị” được khu vực muốn mua, dẫn đến việc đi xem nhà tràn lan ở nhiều nơi, hôm nay xem nhà quận/huyện này, mai “nhảy” sang quận/huyện khác, vừa mất thời gian, vừa không hiệu quả.

Khoanh vùng khu vực muốn mua giúp tiết kiệm thời gian, công sức
Khoanh vùng khu vực muốn mua giúp tiết kiệm thời gian, công sức

Theo các chuyên gia, khoanh vùng được địa bàn muốn mua nhà, càng thu hẹp phạm vi thì sẽ càng dễ sàng lọc, tìm ra căn nhà phù hợp bởi đã nắm rõ đặc điểm chung và mặt bằng giá ở khu vực đó. Ví dụ, nếu tài chính không nhiều, thay vì mua nhà nội thành thì có thể tính đến phương án mua nhà ở một quận/huyện ngoại thành nào đó, ưu tiên những nơi có giao thông thuận lợi gần nơi làm việc, trường học của con, không tắc đường… Khi đã xác định được khu vực muốn mua thì chỉ đi xem những căn ở đó, không bị phân tâm hay mất thời gian đi tìm hiểu, xem nhà ở những nơi khác. Trước khi quyết định xuống tiền mua nhà, bạn cần đảm bảo rằng mình thực sự thích sống ở nơi đó trong thời gian dài bởi việc mua và bán lại nhà không hề dễ dàng, rất tốn kém thời gian, công sức.

Không khảo sát thị trường, so sánh giá bán

Xem quá ít nhà đã “chốt” là một sai lầm thường gặp của người mua nhà lần đầu. Đi xem nhà quả thực rất tốn thời gian, nhưng cái lợi là rất lớn. Bởi càng mất công sức đi tìm hiểu và xem xét càng nhiều thì người mua càng có thêm dữ liệu để so sánh, đánh giá ngôi nhà nào là phù hợp, mức giá người bán đưa ra đã hợp lý chưa.

Việc giao dịch, mua bán bất động sản hiện nay trên thị trường đa số vẫn dựa vào thỏa thuận của hai bên và tâm lý “thuận mua vừa bán”. Người bán định giá nhà nhiều khi cao hơn so với mức giá chung của thị trường, nếu người mua không có “phông nền” về giá cả, lại thêm tâm lý “mua ngay kẻo lỡ”, “chậm chân là mất” rồi vội vàng xuống tiền thì rất dễ bị mua hớ.

Đừng để vẻ ngoài của căn nhà “đánh lừa”
Đừng để vẻ ngoài của căn nhà “đánh lừa”

Đánh giá một cách kỹ lưỡng về mức giá mà người bán đưa ra là việc rất quan trọng khi mua nhà. Việc xem xét khung giá có thích hợp hay không cần dựa theo rất nhiều yếu tố như: vị trí, tình trạng nhà ở, tính thanh khoản, tiềm năng tăng giá,…

Không kiểm tra kỹ càng ngôi nhà

Căn nhà nhìn rất mới, chắc chắn nhưng chưa chắc chất lượng căn nhà đã tốt như những thứ bề ngoài chúng ta nhìn thấy. Vội vã mua khi chưa kiểm tra kỹ lưỡng khiến nhiều người mua nhà lần đầu phải trả giá đắt. Đó là khi dọn vào ở thì phát hiện căn nhà có những chỗ hư hỏng, thấm, nứt… phải tốn khoản chi phí không nhỏ để sửa chữa, khắc phục.

Để tránh điều này, tốt nhất đừng bị vẻ ngoài của căn nhà “đánh lừa”, hãy tự kiểm tra hoặc nhờ người có kinh nghiệm kiểm tra mái, tường, hệ thống thoát nước… Nếu phát hiện vấn đề, hãy suy nghĩ xem có thể khắc phục được không, có thể đề nghị chủ nhà giảm thêm giá bán được không.

Xem các tin khác:

Tìm kiếm bất động sản